Buổi tối, ngồi làm việc, tự dưng ngó được bài viết, phải lưu ngay vào bộ nhớ cá nhân của mình. Công nhận là cái ý thức ù ỳ của từng bộ phận lãnh đạo trong doanh nghiệp Việt Nam đã đốt cạn “dầu nhiệt huyết” của lớp trẻ. Tôi nghĩ do tâm lý tiểu nông vẫn chưa thoát, nên xã hội ta còn lâu mới có thể đuổi kịp được các nước bạn… đôi khi thấy tội lỗi khi sáng tạo nhiều quá… đâm ra cướp đi công ăn việc làm của một cơ số người… và cũng ngẫm lại… có phải do dân số nước ta qua đông, nên việc cải tiến sáng tạo, tăng năng xuất đều không được ủng hộ. Thôi thì tự đốt đuốc cho chỉnh mình để đi vây… sử dụng thời gian sức trẻ, sức khoẻ còn lại để tìm kiếm cơ hội… đôi khi mạo hiểm cũng sẽ thúc đẩy tính sáng tạo tốt hơn.
============================================================
Sự khắc nghiệt của cuộc sống khiến tôi đã từng mất một năm làm đủ thứ công việc để kiếm thu nhập sống qua ngày mà không dám mơ ước cho tương lai…
Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần bài Người Việt trẻ tự đốt đuốc mà đi của tác giả Giáp Văn Dương, mô tả hiện thực bế tắc của một bộ phận giới trẻ Việt nam hiện nay. Điều đó là hiện thực khách quan đang diễn ra nhưng người Việt trẻ sẽ đốt đuốc gì để đi?
Tám năm trước, tôi là một kỹ sư tốt nghiệp trường đại học danh tiếng ở Việt Nam. Công việc đầu tiên là làm kỹ thuật cho doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản. Chế độ đãi ngộ tốt, được đào tạo đầy đủ, thành thạo công việc sau thời gian 3 tháng, thu nhập gấp 2 lần so với các bạn cùng lứa làm công việc tương tự ở doanh nghiệp Việt.
Giám đốc công ty luôn khuyến khích chúng tôi sáng tạo bởi có phát huy sáng tạo thì mới làm lợi cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có lợi nhuận thì thu nhập người lao động sẽ càng ngày càng tăng.
Ngọn đuốc đầu tiên soi đường cho cuộc đời tôi chính là triết lý: “Sáng tạo không ngừng để tạo ra giá trị gia tăng lớn, từ đó thu về lợi ích. Sáng tạo ngay từ những công việc nhỏ nhất để tạo sự tiện lợi, giảm chi phí”.
Khi đó, tôi rất mong muốn được dùng những kiến thức, kinh nghiệm ấy để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt thúc đẩy sản xuất, tăng sức cạnh tranh bởi một lý do đơn giản: “Doanh nghiệp Việt sẽ dùng lợi nhuận kinh doanh để xây dựng đất nước giàu mạnh”.
Tôi chọn một doanh nghiệp cùng ngành và áp dụng những kiến thức về kỹ thuật, quản lý, lối sống đã được học và trải nghiệm với mong muốn làm thay đổi tình trạng yếu kém của họ. Tuy nhiên, không phải lúc nào mong ước tốt đẹp cũng dễ dàng được mọi người chấp nhận.
Chủ doanh nghiệp muốn tối đa hóa lợi nhuận bằng việc trả lương thấp, bớt vật tư, trả hoa hồng cao cho người bán hàng… Kết quả sản phẩm càng ngày càng kém chất lượng vì không được thị trường chấp nhận, không có lợi nhuận nên không thể tái đầu tư. Tôi thất bại ngay từ việc thuyết phục chủ doanh nghiệp đặt mục tiêu sản xuất hàng chất lượng tốt lên hàng đầu.
Ba năm sau, chủ doanh nghiệp này buộc phải hợp tác với nước ngoài để mong dùng uy tín của họ lấy lại thị trường. Nhưng những tai tiếng từ trước đã ngăn cản sự phát triển bởi thị trường không dễ dàng được chấp nhận vì mọi người đều nghĩ đó là ” bình mới rượu cũ”.
Công việc thứ ba mà tôi trải nghiệm là làm quản lý chất lượng cho một doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa. Doanh nghiệp này có đầy đủ các phòng ban, nhưng tất cả các vấn đề cần chịu trách nhiệm cá nhân thì đều đánh đồng vào tập thể.
Sức sáng tạo của cá nhân không thể được áp dụng nếu không thêm vào đó công lao một vài vị lãnh đạo chẳng có liên quan gì. Không ai dám có ý kiến phản biện lãnh đạo, vì thế ông giám đốc 65 tuổi vẫn một mình quyết định tất cả.
Sau đó, tôi phát hiện công ty đang chấp nhận tỷ lệ hư hỏng sản phẩm tới 40% do áp dụng một sáng kiến của giám đốc. Nhưng tại sao tất cả mọi người biết điều đó mà không dám phản đối? Bởi vì sáng kiến đó đã được trao giải thưởng (nên không ai nghĩ là nó có gì chưa hợp lý).
Bên cạnh đó, cũng vì công ty có quy định cho phép bán phế phẩm để lấy tiền đưa vào quỹ công đoàn, nếu thay đổi thì nhiều người sẽ mất quyền lợi. Với tinh thần trách nhiệm, những người có tâm huyết trong công ty đã cùng tôi thực hiện cải tiến bằng việc điều chỉnh những sự bất hợp lý trong quy trình sản xuất mà Giám đốc đã đề ra. Tỷ lệ hư hỏng giảm từ 40% xuống 10% sau 5 ngày cải tiến.
Trong hai tuần giám đốc đi công tác nước ngoài, sản lượng thành phẩm của công ty tăng đột biến. Nhưng chúng tôi đã nhầm, mang lại thành công cho doanh nghiệp không những không có lợi cho bản thân, mà còn bị mất việc với lý do “không hòa nhập với tập thể”.
Sau đó thì ông giám đốc cũng đem những cải tiến của chúng tôi vào áp dụng, rồi được thưởng, nhưng chúng tôi không có cơ hội để được hưởng những thành quả đó. Nếu các bạn trẻ rơi vào tình cảnh như tôi khi trải qua các công ty Việt, chắc có lẽ sẽ trở nên chán nản, mất phương hướng.
Tôi cũng mất một năm làm các công việc để kiếm thu nhập sống qua ngày mà không dám mơ ước cho tương lai, y hệt như những gì mà anh Giáp Văn Dương đã mô tả trong bài viết “Người Việt trẻ tự đốt đuốc mà đi”.
Sự khắc nghiệt của cuộc sống khiến tôi phải có sự lựa chọn và cân nhắc về con đường của mình. Và tôi đã chọn phát triển sản phẩm công nghệ cao với số vốn nhỏ để thay thế các sản phẩm nhập khẩu. Phải mất hai năm tự nghiên cứu, cải tiến và thử áp dụng, tôi mới có được thành công.
Từ đó, tôi hiểu rằng mình đã tìm được “ngọn đuốc” của chính mình: “Phát huy trí tuệ, làm ra sản phẩm tốt, gia tăng lợi ích cho công việc mình đã chọn để làm lợi cho xã hội. Cho dù có vất vả, chông gai nhưng niềm tin vào tương lai tốt đẹp sẽ dẫn dắt đến thành công”.
Các bạn trẻ hãy tự chọn cho mình một mục tiêu tốt đẹp và dũng cảm theo đuổi nó. Đó mới chính là ” ngọn đuốc soi đường” cho cuộc đời.
Leave a Reply